#88. Làm thế nào để cha mẹ không bị con lờ đi?
2 lý do khiến trẻ không nghe/giả vờ không nghe thấy lời bạn nói
Trong một buổi trò chuyện với cô giáo, mình được biết ở lớp Ốc là người lắng nghe và thực hiện theo các chỉ dẫn vô cùng tốt, tốt vượt trội so với độ tuổi lên 3 và so với mặt bằng chung.
Điều này khiến mình thực sự ngạc nhiên, vì đôi khi ở nhà con… không như vậy. Thi thoảng, việc bị con lờ đi làm mình khá bực bội. Và mình biết rằng, những lúc đó, việc giao tiếp của mình và con đã có-vấn-đề.
Nếu bạn cũng đã và đang bị con lờ đi, hãy thử tìm hiểu 2 lý do sau đây:
1 - Con không nghe thấy cha mẹ đang nói gì với mình
2 - Con không thích những gì bố mẹ yêu cầu/hoặc là không tôn trọng bố mẹ.
Trước khi đưa ra hành động, cha mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến những trường hợp này.
Lý do 1: Con không nghe vì thực sự con không nghe thấy
Đôi khi con quá tập trung vào việc đang làm, đang chơi nên chúng không phản hồi lại bố mẹ. Những lúc như vậy, đừng nghĩ con đang lờ đi. Đơn giản là do sự phát triển của trí não mà con thực sự không nghe thấy gì. Một đứa trẻ nhỏ chỉ có thể tập trung vào 1 việc hoặc 1 sự quan tâm vào 1 thời điểm.
Khi não bộ phát triển hơn, con sẽ tập trung cao hơn. Ở giữa giai đoạn 5-7 tuổi, có một khái niệm gọi là 5to7 Shift (cuộc chuyển đổi giai đoạn 5 sang 7), sẽ có một thay đổi lớn ở con. Trước thời điểm này, não bộ chưa đủ liên kết để có 2 hay nhiều ý tưởng một lúc trong đầu.
Nếu bạn gọi mà con không trả lời, hãy thử:
Đi đến gần và gõ nhẹ lên vai con
Cúi sát mặt vào con và cười
Nhìn vào mắt con để thu hút sự chú ý
Sau đó bạn hãy yêu cầu hoặc hướng dẫn con làm gì đó. Nguyên lý của các hành động này chính là: kết nối trước khi đưa ra yêu cầu hay hướng dẫn.
Lý do 2: Con không nghe vì con không thích những gì bố mẹ yêu cầu
Con có thể đang nghĩ “Nếu mình giả vờ không nghe mẹ, thì chắc sẽ không phải đi ngủ”. Người lớn cũng vậy thôi.
Nếu biết con đang cố tình không nghe vì không thích những gì bạn đang nói, hãy cố gắng tìm giải pháp.
Nhắc tới lắng nghe, tức là chúng ta đang nhắc tới khả năng hợp tác của trẻ. Trẻ sẽ lắng nghe, hoặc hợp tác với những gì bố mẹ yêu cầu. Hãy gợi mở cho con vài lời đề nghị hấp dẫn. Ví dụ “Đánh răng xong mình sẽ vào bật đèn minion nhé”. Giải pháp được lợi cho cả hai bên có thể giúp cải thiện được việc này.
Đừng để con bỏ qua cũng như đừng lặp lại quá nhiều yêu cầu hay các đề nghị. Khi lặp lại nhiều lần, có nghĩa là bạn đang dạy con “không có nghĩa nó là lần đầu tiên”.
Ví dụ:
– Ốc, hôm nay mình phải đi học sớm. Con có muốn đi luôn không hay là 5 phút nữa?
– 5 phút nữa đi ạ. Ốc vẫn đang chơi lego trên sàn.
Hết 5 phút. Nếu Ốc vẫn nói “Thêm 5 phút nữa đi ạ”, bạn sẽ làm thế nào?
Đừng thoả hiệp với những gì bạn đã nói. Hãy kết nối và đưa con ra khỏi nhà bằng cách:
Mẹ rất thích Ốc xếp gỗ đấy. Con có muốn mang lego theo trên xe đẩy không?
Hoặc là:
Mẹ với con thi xem ai ra cửa trước rồi lấy giày không?”
Như vậy, bạn đang dạy con về hợp tác và không cho con cơ hội bỏ qua bạn, cũng không tạo ra xung đột.
Nếu bạn thấy con đang cố tình tránh né và không lắng nghe, hãy cố gắng tìm hiểu xem mình đã có được sự chú ý và kết nối của con trước khi đưa ra yêu cầu hay chưa. Bạn đã cố gắng tìm các giải pháp khác để con không từ chối những yêu cầu? Bạn có đồng hành cùng con trong suốt quá trình không?
Đừng mong con sẽ lắng nghe khi chưa thể kết nối. Đừng để bản thân nổi điên hay con bắt đầu la hét. Hãy bình tĩnh và linh hoạt để con không có cơ hội cũng như có quyền được lờ đi bố mẹ.
Nếu đã thử những gợi ý trên mà con vẫn không hợp tác? Có lẽ con cần phải khóc một chút. một đứa trẻ cố gắng tỏ ra cứng rắn và khó khăn có lẽ là đứa bé đã bị “chai” các cảm xúc. Nên để con khóc. Với nước mắt, bạn sẽ thấy con hợp tác hơn.