#162. Trẻ và gương. Những bước trẻ tự nhận diện bản thân.
Giai đoạn lên 2, con trai lớn của mình soi gương rất nhiều, có thể lên tới vài chục lần một ngày.
Sớm hay muộn, trẻ nào cũng sẽ có thời điểm làm quen với gương. Theo Marilyn Sigal – nhà tâm lý học trẻ em, thì việc làm quen với gương sẽ rất hữu ích khi trẻ lên 2 tháng. Marilyn Sigal đề nghị treo chiếc gương gần bàn của trẻ, thỉnh thoảng thay quần áo trước gương và chơi trò “hãy nhìn vào gương” với trẻ.
Thực tế, trẻ em có phản ứng khác nhau với gương. Một đứa trẻ có thể nhận ra bản thân ngay lập tức và bắt đầu ngắm nhìn một cách thích thú. Đứa trẻ khác thậm chí không để ý và chú tâm vào làm việc khác. Tuy nhiên sớm hay muộn thì trẻ nào cũng sẽ tỏ ra hứng thú với hình ảnh phản chiếu của mình. Lúc đầu trẻ sẽ ngạc nhiên, sau đó là ngưỡng mộ, và khi trẻ lớn hơn thì việc chơi với gương sẽ đem lại nhiều niềm vui hơn cho trẻ.
Hầu hết các nhà tâm lý học cho rằng giai đoạn chơi với gương đến từ 7 tháng đến 1,5 tuổi và niềm vui của trẻ trong những trải nghiệm vô tận với chiếc gương ở giai đoạn này có liên quan đến việc nhận diện bản thân và là một phần của quá trình hình thành nhân cách. Nếu quan sát đứa trẻ 8 tháng tuổi, có thể thấy rằng trẻ nhìn nhận hình ảnh phản chiếu trong gương như một thứ gì đó liên quan trực tiếp đến trẻ, phản ánh lại những hành động của trẻ: cử chỉ, nét mặt, hành động…
Đứa trẻ biểu hiện sự thích thú với điều này qua tiếng hét và những biểu cảm trên mặt. Trẻ sẽ quan sát những hành động được phản chiếu trong gương, những biểu cảm trong gương, liên tục thay đổi vị trí đứng và đôi khi còn thể hiện cảm xúc “cá nhân” chẳng hạn như là hôn bản thân trong gương. Tất cả những điều này nói lên việc “nhận biết” bản thân trong gương. Chắc rằng trong tâm lý của trẻ tại thời điểm đó kết nối được những hình ảnh rời rạc, cảm giác tò mò về cơ thể bản thân thành một cơ thể trọn vẹn.
Tất nhiên, chúng ta không thể đoán cách trẻ sẽ phát triển như thế nào nếu như gương không được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng rất có thể, những đứa trẻ 8 tháng tuổi sẽ tìm những cách khó đoán để nhận thức được “cái tôi”. Ở độ tuổi này trẻ bắt đầu nhận thức bản thân trọn vẹn, như một sinh thể có tên, cơ thể, trí tuệ và nhận thức. Chiếc gương trong trường hợp này sẽ là cầu nối những cảm giác bên trong với hình ảnh bên ngoài. Đó sẽ là lần đầu tiên trẻ nảy sinh “cái tôi”, mặc dù “cái tôi” đó vẫn chưa hình thành hoàn chỉnh.
Ví dụ như trẻ 7-8 tháng tuổi có sự thể hiện trái ngược hẳn với sự thờ ơ được thể hiện bởi con tinh tinh con. Chúng cũng có thể nhận diện hình ảnh bản thân phản chiếu trong gương, nhưng sẽ mất hứng thú ngay lập tức, vì “đối tượng” không thể tương tác trực tiếp với nó. Tinh tinh không có sự nhận thức về bản thân, trong khi đứa trẻ sẽ tự nhận diện hình ảnh bản thân trong những lần đầu làm quen với gương. Mặc dù trẻ nhận diện bản thân như một cá nhân sẽ muộn hơn nhiều, nhưng nền tảng tâm lý đã có sự nhận thức sẵn. Sự khác biệt giữa con người và động vật rất đặc biệt, và đáng chú ý rằng trí thông minh của đứa trẻ 7-8 tháng tuổi thua xa tinh tinh, nhưng chúng sẽ ngang nhau khi trẻ được 11 tháng tuổi.
Khi trẻ lớn hơn, phản ứng và hành vi của chúng khi đứng trước gương sẽ thay đổi. Nhà khoa học người Mỹ Louis và Brooks – Gunn đã thực hiện một nghiên cứu (được mô tả trong cuốn sách “Sự phát triển trong tâm lý học” của G.Kraig) để theo dõi quá trình phát triển nhận thức của trẻ. Họ đã làm một số thí nghiệm liên quan đến gương ở những độ tuổi khác nhau. Theo kết quả nghiên cứu này, họ đã phát hiện ra điểm đặc biệt trong những giai đoạn phát triển nhận thức của trẻ.
Trước 6 tháng tuổi trẻ sẽ bị thu hút bởi hình ảnh phản chiếu trong gương, mặc dù chúng có thể không nhận diện được đó là bản thân. Thỉnh thoảng trẻ 6 tháng tuổi nhận thức được hành động bản thân giống với hình ảnh phản chiếu trong gương mà chúng đang quan sát.