#155. 5 kỹ năng học thuật quan trọng với học sinh tiểu học
Rèn luyện từ nhỏ để tạo tiền đề cho tương lai
Xã hội luôn biến đổi và phát triển từng ngày, đòi hỏi con người phải thành thạo nhiều kỹ năng chứ không chỉ dừng lại ở khả năng đọc viết hay đếm số. Vì lẽ đó, nhiệm vụ của giáo viên chính là rèn luyện, hướng dẫn trẻ nhỏ những kỹ năng cần thiết ấy để chúng có thể tự tin đáp ứng các yêu cầu công việc khắt khe của xã hội.
Học sinh tiểu học chuẩn bị bước lên bậc cao hơn là đối tượng rất cần được đào tạo những kỹ năng học thuật quan trọng. Tuy nhiều khóa học chỉ tập trung rèn luyện những kỹ năng này cho các học sinh lớn, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không thể huấn luyện các bé ít tuổi hơn thành thạo tất cả những kỹ năng ấy.
Các kỹ năng học thuật quan trọng
Những kỹ năng học thuật quan trọng có tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của trẻ bao gồm:
Kỹ năng quản lý thời gian
Kỹ năng sắp xếp công việc
Kỹ năng hợp tác và giao nhiệm vụ
Kỹ năng nghiên cứu
Kỹ năng phân tích
Mỗi kỹ năng sẽ giúp trẻ kiểm soát khối lượng công việc và làm việc hiệu quả, có hiệu suất dù trẻ có đi làm, học nâng cao chứng chỉ hay tự kinh doanh riêng trong tương lai.
Một số hoạt động giúp trẻ phát triển nhận thức về các kỹ năng học tập
Sau đây là một số hoạt động có tác dụng phát triển nhận thức và hiểu biết của trẻ về những kỹ năng quan trọng. Đây đều là những hoạt động áp dụng phù hợp trong phạm vi lớp học và được gợi ý trong chuỗi chương trình Cornerstone và New Keystone.
1/ Kỹ năng quản lý thời gian
Phần lớn suốt thời gian đi học, trẻ thường được cô giáo chỉ định phải ở đâu, phải làm những gì, làm vào lúc nào.
Tuy nhiên, khiến trẻ biết cách quản lý thời gian lại hoàn toàn không giống với việc giúp bé biết xác định thời gian.
Thiếu kỹ năng quản lý thời gian, trẻ sẽ không biết cách ước lượng thời gian hợp lý, dẫn đến trường hợp một số bé có cảm giác bị lừa hoặc bị bỏ lại phía sau vì thấy việc mình làm kéo dài hơn dự tính (nhất là với các bé nhanh nhẹn và có khả năng hoàn thành công việc sớm). Trong khi một số trẻ khác có thể sẽ thấy chán và muốn từ bỏ ngay từ khi mới bắt đầu chỉ vì ước tính thời gian hoàn thành công việc quá dài so với thực tế.
Giúp trẻ ước tính đủ số lượng của mỗi công việc nhỏ trong tổng thể một hoạt động lớn sẽ hỗ trợ trẻ biết lên kế hoạch và quản lý thời gian tốt hơn. Thói quen này còn giúp trẻ hiểu, không phải ai cũng có khả năng và tốc độ hoàn thành công việc như nhau.
Để giúp trẻ quản lý thời gian hiệu quả, bạn có thể cho trẻ tập làm quen với việc ước tính thời gian bằng các tờ nhớ, mỗi tờ tương đương với 10 phút (6 tờ tương đương 1 tiếng học trên lớp) chẳng hạn.
Đưa vào các hoạt động thực tế để trẻ có cơ hội thực hành quản lý thời gian
Hãy đọc truyện cho trẻ nghe và yêu cầu trẻ nắm bắt các thông tin chính trong truyện, sau đó ghi lại những ý chính đó. Tiếp theo, cho trẻ làm việc theo nhóm để vẽ ra sơ đồ logic.
Tiếp đến, hãy khuyến khích trẻ động não suy nghĩ xem mỗi phần của bài học sẽ cần bao nhiêu thời gian hoàn thành bằng cách yêu cầu trẻ dán giấy ước tính thời gian lên từng phần của kế hoạch. Ví dụ, trẻ ước tính thời gian hoàn thành sơ đồ logic mất 20 phút, vậy nghĩa là trẻ sẽ cần 2 miếng giấy nhớ cho hoạt động này.
Yêu cầu trẻ liệt kê hết những yếu tố có tác động đến việc bố trí thời gian, ví dụ như thời gian đọc và xem lại truyện có được tính hay không, mỗi phần công việc tốn bao nhiêu thời gian, liệu có hoạt động nào thừa hoặc thiếu thời gian không?
Cho trẻ tiếp tục thực hành kỹ năng phân tích trong các hoạt động sau này nhằm giúp trẻ xác định những công việc mình có thể hoàn thành sớm, và những công việc cần mất thêm thời gian hoàn thiện.
Giáo viên cũng nên chia sẻ với bố mẹ những hoạt động trẻ đã làm trên lớp, nhằm khuyến khích bố mẹ huấn luyện cho con cách quản lý và phân bổ thời gian trong các hoạt động tại nhà. Ví dụ như:
Từ lúc ngủ dậy cho tới khi đến trường (đánh răng rửa mặt, thay quần áo, ăn sáng, đến trường)
Từ lúc về nhà đến khi đi ngủ (làm bài tập, ăn tối, làm một số hoạt động quan trọng khác, xem TV hoặc chơi game, chuẩn bị đi ngủ).
2/ Kỹ năng ưu tiên sắp xếp công việc
Kỹ năng ưu tiên là một phần quan trọng của kỹ năng quản lý thời gian. Nó giúp trẻ biết mình phải làm cái gì, làm như thế nào để có thể có kết quả tốt. Kỹ năng ưu tiên cũng giúp trẻ nhận ra những phần việc mà mình thích nhất trong cả một hoạt động lớn.