#149. 7 sự thật về sự phát triển vỏ não trước trán của trẻ
Hiểu biết để thôi đặt kỳ vọng quá mức ở con.
Bạn đã bao giờ ước mình không phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần với con về một việc nào đó? Bạn từng thấy con làm rơi lả tả đống sách khỏi kệ? Hoặc bạn có thường xuyên nghe tiếng đồ chơi vứt đầy sàn khi vừa dọn dẹp chưa đầy 5 phút? Con bạn có bao giờ đặt cả nghìn câu hỏi vì sao mỗi khi bạn kể với chúng về một chuyện gì đó hay không?
Bạn nghĩ nguyên nhân của những hành động mình vừa liệt kê là gì? Đó chính là sự tác động của vỏ não trước trán.
Khi tìm hiểu về chức năng của vỏ não trước trán và sự chậm phát triển vỏ não trước trán ở trẻ, bạn sẽ hiểu tại sao con lại có những hành động, cảm xúc như vậy. Từ đó, bạn sẽ thấy dễ thông cảm khi con có hành vi trái với mong đợi của bạn. Sau cùng, bạn sẽ biết lý do tại sao phương pháp dạy con tích cực lại vô cùng quan trọng.
Biết trẻ nhỏ đang phải đối mặt với sự phát triển não bộ của mình sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho cha mẹ. Một trong số đó là cách điều chỉnh kỳ vọng sao cho phù hợp với con. Mình biết điều này nghe có vẻ ngược với cách dạy con của nhiều gia đình, nhưng nếu bạn hỏi mình điều bất ngờ nhất mà mình đã thay đổi, thì đó là việc mình ngừng đánh đòn con.
Có rất nhiều thông tin liên quan đến sự phát triển vỏ não trước trán của trẻ. Trong nội dung sắp tới, mình sẽ chỉ ra những đặc điểm có ảnh hưởng mình hành vi của con, có xu hướng khiến con có thể gặp rắc rối. Tiếp đến, mình sẽ chia sẻ một số hoạt động giúp kích thích sự phát triển vỏ não trước trán của con. Và cuối cùng, bạn ngạc nhiên khi nhận được lá thư mà chính con sẽ viết cho bạn ở cuối bài viết này.
Vỏ não trước trán đảm nhiệm công việc gì?
Bộ não con người phát triển theo thứ tự từ sau ra trước, và vỏ não trước trán chính là phần được phát triển cuối cùng, có nhiệm vụ quản lý các quy trình như:
Lý luận
Lập luận logic
Giải quyết vấn đề
Lập kế hoạch
Ghi nhớ
Tập trung và chú ý
Phát triển và thực hiện các mục tiêu
Ngăn chặn sự nóng giận
Phát triển tính cách
Bạn có thể tưởng tượng đơn giản, nếu vỏ não trước trán của trẻ là phần cuối cùng được phát triển, thì lẽ đương nhiên trẻ sẽ thiếu những kỹ năng mà mình vừa liệt kê, dẫn đến sự khó khăn trong việc đáp ứng kỳ vọng của người lớn.
Thùy trán phát triển trong giai đoạn nước rút và phải mất vài năm mới có thể hoàn thiện. Về cơ bản, những kỹ năng mà não bộ thường sử dụng gồm: nghĩ, học, đọc, nhớ, tập trung và giải quyết vấn đề.
Một chi tiết nữa, đó là não bộ hoạt động rất tích cực suốt thời thơ ấu của trẻ, đến nỗi một nửa lượng calo mà trẻ 5 tuổi sử dụng đều được dồn vào việc cung cấp năng lượng cho não bộ. 90 - 95% sự phát triển của não bộ diễn ra trong những năm tháng đầu đời của trẻ.
Theo đó, 7 đặc điểm phát triển của vỏ não trước trán có tác động sâu sắc đến hành vi của trẻ bao gồm:
1. Vỏ não trước trán của con người không phát triển hoàn thiện cho đến năm 25 tuổi
Thậm chí, một số nhà nghiên cứu còn nâng lên mức 30 tuổi. Nói thật là mình khá mừng khi nghe được điều này, cuối cùng cũng đã tìm ra cái cớ cho những hành vi của mình hồi đại học.
Bây giờ hãy thử nghĩ về lần gần đây nhất bạn sửa sai cho con. Nhớ lại xem chúng là gì và liệt kê các dấu hiệu cho thấy hành vi đó bắt nguồn từ tác động của vỏ não trước trán.
2. Trẻ em tin rằng mọi người đều chia sẻ suy nghĩ, niềm tin hoặc cảm xúc của mình
Trẻ nhỏ chưa có khả năng thấu hiểu quan điểm của người khác. Nếu trẻ có thể hiểu được thì đây cũng là thách thức lớn vì trẻ không biết mình phải làm gì để đối phó với những cảm xúc ấy. Kỹ năng nhận thức cảm xúc của trẻ không được phát triển đầy đủ cho đến khi trẻ 11 tuổi. Vì thế khi nhìn thấy bố buồn, rất có thể trẻ sẽ đưa cho bố chiếc ti giả của mình như một cách an ủi.
3. Khi bạn yêu cầu con ngừng làm những gì chúng đang làm để tuân theo ý muốn của bạn, con sẽ cảm thấy bối rối.
Nguyên nhân là bởi lúc này vỏ não trước trán của con vẫn đang phát triển kỹ năng chuyển từ những gì chúng muốn sang những gì bạn muốn.
Bạn đang trông chờ con muốn làm bạn hài lòng để con có thể vâng lời và làm theo ý bạn. Đây là một trong những lý do giúp bạn và con duy trì sự kết nối, bởi mối quan hệ giữa bạn và con càng tốt, con sẽ càng muốn làm bạn hài lòng.
Mỗi khi con quyết định làm theo yêu cầu của bạn, việc này sẽ củng cố phần vỏ não trước trán của trẻ, giúp trẻ tự mình đưa ra quyết định để có thể phát triển tính tự giác. Mặt khác, nếu bạn cứ tiếp tục ép con làm theo ý mình mà không cho con cơ hội chủ động thì điều đó chẳng giúp ích được gì.